TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT
ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
Thơ Đường luật, một thể thơ được đặt ra từ đời nhà Đường (618 – 907), quy định dứt khoát về số câu, số chữ, niêm, luật, đối, vận và bố cục của bài thơ. Đường luật là tiếng thường gọi, người ta còn dùng từ Đường thi hay Cận thể vì loại thơ này ra đời sau thể Cổ phong.
A – DẪN NHẬP
Có thể nói thơ Đường luật bị ràng buộc nhiều nhất, luật lệ nghiêm nhặt nhất, nhưng chính sự khắc khe đó mà thể thơ này phát sinh các dạng biệt thể, biến thể và đa thể nhiều hơn bất cứ thể thơ nào khác.
Trong khuôn khổ của trang báo, bài này chỉ đề cập sơ lược những biệt thể trong thơ luật Đường, còn biến thể và đa thể sẽ trình bày vào một dịp khác.
B – PHÂN LOẠI BIỆT THỂ
Biệt thể trong Đường luật là những trường hợp nhằm tạo những nét mới lạ, lý thú cho bài thơ. Nói rõ hơn, biệt thể vừa tuân thủ nghiêm túc luật thơ Đường, vừa có nét đặc biệt làm nổi bật bài thơ trong phương diện nào đó để khác với bài thơ luật bình thường.
Ngoài các dạng biệt thể của Tàu du nhập vào Việt Nam như Họa vận, Hồi văn, Liên hoàn, Thủ vĩ ngâm [1] thi nhân nước ta còn sáng tạo nhiều lối biệt thể khác như Phú đắc, Khoán thủ, Khoán vĩ, Ô thước kiều, Tiệt hạ, Tập danh, Vĩ tam thanh, Chuyển vĩ hồi văn, Song điệp, Song thanh điệp vận, Liên âm, Bình đầu, Vận độc tự, Độc vận thủ cú đồng âm, Nói lái, Phiên âm dịch nghĩa.