BÀI VÈ
“CÔ THÔNG TẰM”
Vè là những chuyện kể bằng câu ca có vần điệu, thường là câu 4 chữ, nhưng có khi là câu 5 chữ, câu lục bát…, nó không bị bó buộc bởi một thể loại nào. Nội dung Vè thường là những chuyện xảy ra trong xóm trong làng, chuyện của một địa phương, nên Vè có tính thời sự, lại mang tính dân gian.
Ngôn ngữ Vè mộc mạc, ai đấy cũng có thể tham gia làm nối đuôi cho bài Vè, cũng vì vậy đôi khi bài Vè bỗng dài thêm ra theo thời gian, như những bài Vè nói về bánh trái, chim cá… Cuối cùng khó mà biết ai là tác giả chính của nó. Vè được đặt ra từ những người không tên không tuổi, đề tài của Vè thường là chuyện vặt vãnh của xóm làng, nên sức sống của Vè cũng vì vậy mà mau chóng đi vào quên lãng. Chỉ có những bài Vè đủ sức vượt qua khỏi lũy tre làng may ra mới còn lưu lại được cho người đời sau.
Giống như nhiều địa phương khác, những bài Vè ra đời ở Bình Định chắc chắn là không ít, nhưng những bài được lan truyền khắp nơi và thường được nhiều người nhắc đến là các bản Vè: Vè Chàng Lía, Vè Bà Thiếu Phó và Vè Cô Thông Tằm.
Vè Chàng Lía và Vè Bà Thiếu Phó là loại Vè lịch sử. Vè Chàng Lía kể chuyện những kẻ cướp ở Truông Mây. Nhưng những kẻ nổi loạn đất Bình Định nầy lại chính là những người đầu tiên đề ra và thực hiện tuyên ngôn “Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo”,khuấy động cả phủ Chúa xứ Đàng Trong hồi thế kỷ 18. Vè Bà Thiếu Phó kể chuyện Nữ kiệt Bùi Thị Xuân, vợ của Thiếu Phó Trần Quang Diệu. Hai vợ chồng đều là lương đống của Nhà Tây Sơn đã từng làm điên đầu con cháu của nhà Nguyễn Gia Miêu. Vì vậy cũng dễ hiểu vì sao 2 bản Vè nầy lại có sức sống lan truyền đi xa được.
Thế còn Vè Cô Thông Tằm chỉ là chuyện kể về một phụ nữ bị cướp giết chết. Vậy thì tại sao bản Vè nầy lại cũng được lan truyền khắp nơi.