ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
Trên đường cao tốc (Freeway) 405, rẽ lối ra (Exit) để vào thành phố Westminster, xe đò Hoàng [1] về bến, đổ khách tại chợ ABC trong khu Little Saigon [2]. Nếu muốn đến Viện Việt Học, khách theo đại lộ Bolsa (Ave) đi chừng 1 dặm (mile), về hướng Đông, lần lượt băng qua các đường Beach Blvd, Newland St, Magrolia St, rồi gặp Brookhurst St, quẹo phải một đoạn ngắn khoảng 1/3 dặm, đến tòa nhà số 15355 nằm trên đường Brookhurst, cũng thành phố Westminster, lên cầu thang, căn phòng số 222 là cơ sở Viện Việt Học, thuộc mã số vùng bưu điện (Zip code) CA 92683-7079.
A – VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ VIỆN VIỆT HỌC
Có thể nói đây là Viện Đại Học Việt Nam duy nhất ở hải ngoại, được thành lập ngày 26 tháng 2 năm 2000, tổ chức khá quy củ. Viện Trưởng đầu tiên là cố Giáo sư Nguyễn Đình Hòa, tiếp đến cố Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, kế đến Giáo sư Trần Ngọc Ninh, rồi Giáo sư Lê Bảo Xuyến làm Xứ Lý Thường Vụ. Ban Cố Vấn gồm 9 vị Giáo sư Đại học thời Việt Nam Cộng Hòa. Ban Giảng Huấn gồm 20 Giáo sư dạy các bộ môn: Văn minh Việt Nam, Sử địa, Ngữ học, Văn chương, Giáo dục và Sư phạm, Việt ngữ căn bản. Ban Điều Hành có 16 vị, đứng đầu là ông Nguyễn Minh Lân Tổng Thư Ký và cô Nguyễn Kim Ngân lo việc Sinh Viên Vụ. Tất cả thành viên của Viện đều tự nguyện làm việc, không thù lao. Viện đã mở những lớp học tại chỗ và online. Sinh viên muốn theo học phải ghi danh ở phòng Sinh Viên Vụ.
Đến nay các vị trong Ban Giám Đốc và Ban Cố Vấn đều già yếu, lại ở cách xa nhau, khó khăn trong việc triệu tập. Nhân ngày Kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Việt Học, cựu Giáo sư Viện Trưởng Trần Ngọc Ninh đề nghị cải tổ cấu trúc hành chánh. Hội Nghị đồng ý sáp nhập các ban: Giám Đốc, Cố Vấn và Điều Hành thành một cho gọn nhẹ, dễ dàng làm việc.
Viện Việt Học có một thư viện với 8000 quyển sách và tài liệu. Ban Điều Hành sử dụng Hệ thống phân loại và Bảng tiêu đề mục của Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ (Library of Congress Classification and Library of Congress Subject Heading List), đã phân loại xong trên 2000 tựa sách. Và tiếp tục phân loại hoàn tất vào những năm tới.