CÁI DUYÊN ĐẾN VỚI ĐỀ TÀI LỄ HỘI CẦU NGƯ VÀ HÁT BẢ TRẠO

                                                            ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

            Tôi viết xong bài “Ngày Xuân Và Lễ Hội Cầu Ngư” tại San Jose, ngày 30 tháng 10 năm 1998. Rồi tiếp soạn xong bài “Hát Bả Trạo” ngày 09 tháng 03 năm 1999. Bởi cơ duyên nào tôi hoàn thành được hai đề tài này.

            Vớiloạt bài ấy là cả một sự đầu tưlâu dài, tưởng chừng đề tài không bao giờ thành tựu.

            – Cái duyên đầu tiên đến rất sớm, từ lúc tôi còn là học sinh của Trường Trung Học Cường Để Qui Nhơn (1955 – 1958). Thời ấy, tôi được may mắn chứng kiến đám tang cá voi tại Khu Hai ở Qui Nhơn. Dân chài vùng này vớt được một cá voi dài khoảng 2 mét, đã chết, xác trôi dạt vào bờ. Họ che rạp trên bãi cát Khu Hai, đặt cá ông trên một sạp gỗ, thiết bàn án có đủ tam sơn ngũ sự, hương trầm nghi ngút khói, rất uy nghiêm trọng thể.  Dân chài Khu Hai tụ họp đông đủ, đầu chít khăn tang, lần lượt vào lễ bái trong trật tự và yên lặng. Có một người mặc áo tang trắng toát, đầu đội dây rơm mũ bạc, tay chống gậy, đứng hầu cạnh xác “Ông lụy.” Hỏi ra mới biết, đây là người đầu tiên nhìn thấy “Ông lụy bờ.”

            Từ dạo ấy, tôi tìm hiểu thêm về việc thờ cúng cá voi, biết được bên bờ Đông đầm Thị Nại, nơi triền núi cát trắng, có một làng chài khá đông đúc, có đền thờ Ông (cá voi), hằng năm mở hội Cung nghinh Thủy thần, tế lễ rất long trọng, và có hát Bả trạo. Đó là làng Hưng Lương và Xương Lý, thời ấy thuộc xã Phước Hòa (chưa có xã Phước Lý), quận Tuy Phước (xem Ghi chú 1, trong bài Ngày Xuân Và Lễ Hội Cầu Ngư). Nhưng rồi bận việc học hành thi cử dồn dập, tiếp đến là chiến tranh lan tràn, vùng Phước Lý mất an ninh, không  thể đến thực địa tìm hiểu.

Để lại một bình luận