Thái Công Tụng
1.Tổng quan. Trái đất ta ở có sông ngòi, có biển cả, có núi non, có thung lũng; nhưng trên hết có đất . Đất giúp cây cối có thể bám rễ vào, đất giữ được nước đủ thời gian để rễ cây có thể hút được nước nuôi thân, nuôi lá, nuôi hoa. Đất cũng chất chứa vô số vi cơ thể để hoàn thành nhiều biến đổi sinh hoá như hủy hoại các động vật chết, sự cố định ni tơ khí quyển. Trong đất cũng còn có mối, kiến, giun đất…Và chính nhờ các hoạt động của các loài này mà đất có một đời sống. Đất là một cơ thể sống: nhận vào, biến đổi, hủy hoại, phế thải. Đất không hiện hữu mà không có đời sống và đời sống không hiện hữu nếu không có đất. Loài người xây cất trên đất, trong đất và với đất . Đất là một cõi đi về. Đất không phải chỗ nào cũng giống nhau: sự sử dụng đất đai muôn màu muôn vẻ của con người (đồng cỏ, đô thị, ruộng lúa, ) đã phản ánh sự đa dạng của đất.
Đất đi liền với con người nên ca dao, tục ngữ, thi văn cũng nhan nhãn nhiều câu có chữ đất rất thiêng, thần đất, thổ thần, thổ nghi, phong thổ, địa linh nhân kiệt v.v.Trong Phật học thì đất là một phần trong Tứ Đại: đất, nước, gió, lửa. Trong kinh Phật cũng có một kinh gọi là kinh Địa Tạng