ĐƯỜNG VÀO MÔN PHÁI

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

Ai có dịp ghé ngang những làng mạc ở Bình Định, không khỏi thất vọng, vì tiếng đồn là “Miền Đất Võ” mà chẳng thấy một dấu vết gì võ nghệ cả. Người dân ở đây thật thà, trầm tĩnh, lẫn chút rụt rè thì làm sao có được cái nét quắc thước của con nhà võ!

            Nhận xét ấy, chỉ đúng một phần. Không phải tất cả dân Bình Định đều có võ. Lại nữa, những người càng giỏi võ, lại càng nhũn nhặn, khiêm tốn và kín đáo.

            – Nhà sư Bửu Thắng, trông tấm thân mảnh mai, tưởng chừng gió thổi ngã, gặp vũng nước cũng vén quần xách dép lội qua. Ai ngờ, trong con người ấy có một đường roi chiến (trung bình tiên) khốc liệt, cuốn người như bão táp mưa sa. Sá gì một cú nhảy xa gấp ba lần vũng nước vừa mới lội qua.

            – Ông Bảy Tòng râu tóc bạc phơ, thân thể tráng kiện là kết quả của quá trình tập luyện. Nhưng trước mặt mọi người, ông vẫn khiêm tốn, không bao giờ nhận mình là thầy võ, dù học trò của ông đều là những võ sĩ nổi tiếng.

            – Với Thanh Tùng, lại càng kín đáo lạ thường. Cô ngoan hiền về nhà chồng như bao cô gái Bình Định khác. Ngày ngày, cô chăm chỉ bên chiếc máy may, nhỏ nhẹ với khách hàng. Trông dáng dấp liễu yếu đào tơ, không ai thấy ở Thanh Tùng một dấu vết gì về võ nghệ, đã một thời nổi tiếng biểu diễn quyền, roi ở điện thờ Quang Trung. Đừng lầm! Khi cần tự vệ, “con người võ” của Thanh Tùng vụt dậy. Đôi mắt hiền lành bỗng rực sáng như gươm bén và đôi tay mềm mại biến thành thanh sắt.

Trả lời