CHƯƠNG IX
DUYÊN TRI NGỘ
Đoạn 1: GẶP MỘNG BÌNH SƠN
ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
Tôi bỏ vùng kinh tế mới ở Bình Long, về Sài Gòn sinh sống. Trong thời gian này, tôi suy nghĩ mãi, chẵng lẽ mình chịu chết già để rồi mục nát với cỏ cây hay sao? Món nợ “Cơm cha, Áo mẹ, Chữ thầy,” quên hết hay sao. Bài thơ Quê Tôi viết năm 1960, lúc tôi học ở Huế (1960), vẫn còn đó:
Tôi lớn lên trong vườn khoai ruộng thóc,
Đọt rau bùi, trái chín ngọt tình thương…
Nhờ hai buổi trường làng, tôi biết đọc,
Luyện tay mềm, tôi viết chữ “Quê Hương.”
(Trích Quê Tôi, đoạn 8)
Cho dù trong hoàn cảnh nghiệt ngã, không còn cầm phấn trên bục giảng, tôi phải cầm bút tô điểm cho Quê Hương. Đề tài đầu tiên tôi viết trong thời kỳ này là “Thổ Âm Và Thổ Ngữ Bình Định” và đang biên soạn đề tài “Thể Thơ Đường Luật.” Hai đề tài đó hợp với hoàn cảnh biên soạn của tôi lúc ấy, là không có tài liệu tham khảo. Vốn liếng về thổ âm và thổ ngữ Bình Định, tôi đã góp nhặt vào trí nhớ trong 12 năm dạy học tại quê nhà thường tiếp xúc dân chúng vùng An Nhơn và Tuy Phước; lúc tù “cải tạo” ở K 18 (Kim Sơn, Bình Định) hằng ngày gần gũi với đồng hương khắp tỉnh cùng cảnh ngộ. Còn với thể thơ Đường luật, kiến thức đã có sẵn trong đầu bởi những năm tháng dạy môn Quốc văn, mỗi lần bình giảng một bài thơ luật Đường của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương,… tôi thường đề cập đến 10 luật cấm của thơ này; nào Luật Bằng trắc, Niêm, Vận, Đối, Khổ độc, Diễn đề, Phạm đề, Nhất khí, Trùng chữ, Trùng ý, và Kết cấu. Vâng, với tôi, các đề tài này không cần tài liệu, vẫn có thể tạm viết được, rồi chờ dịp tham khảo tài liệu sẽ bổ sung để được phong phú hơn.
Một hôm, khoảng cuối thập niên 1980, tôi vào tiệm sách cũ ở đường Hồng Thập Tự (tên gọi trước 1975) tìm mua sách quý, tình cờ gặp một người tầm thước, khuôn mặt phúc hậu, tóc bạc phơ. Ông ta đang nói chuyện với chủ tiệm bằng giọng Bình Định. Tha hương, gặp được người đồng hương, tôi cảm tình ngay và chen vào câu chuyện làm quen. Qua vài câu trao đổi, mới biết ông ta là Mộng Bình Sơn, một nhà văn của Bình Định trong thời VNCH. Từ lâu tôi đã biết tiếng ông là Nhà văn, Nhà biên khảo hữu danh, có tên thật là Phan Canh, người thôn Thọ Lộc, xã Nhơn Thọ, huyện An Nhơn (nay là thị xã An Nhơn), nhưng chỉ “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” (-聞 其 聲不見 其 形).
Sau lần sơ ngộ, khoảng một tuần sau, anh Võ Đình Huyền, biệt hiệu Hồng Tâm, người huyện Phù Mỹ, vào Sài Gòn sinh sống từ thời VNCH, đưa tôi đến nhà Mộng Bình Sơn ở số 169 đường Dương Bá Trạc, Quận 8, Sài Gòn.
Từ ấy, tôi thường đến thăm Anh, trao đổi về văn chương, thỉnh thoảng xướng họa, và dịch thơ. Có lần tôi trao tập Thể Thơ Đường Luật đang biên soạn, Anh xem, có vẻ đắc ý. (Sau khi định cư tại Mỹ, tôi mở rộng đề tài này thành tác phẩm Khảo Luận Thể Thơ Đường Luật, vì có bổ sung phần khảo cứu về Những Chặng Đường Của Thể Thơ Đường Luật Tại Việt Nam.)
Đầu năm 1992, Anh ngỏ ý mời tôi cộng tác viết khảo luận. Anh nói: “Tài liệu sưu tầm góp nhặt từ bấy lâu nay còn nhiều, mà tuổi tác đã cao (sắp tới tuổi thất tuần), ngại rằng viết không hết, nếu chia nhau viết thì mới kịp được.” Nghe nói đến biên khảo là tôi thích rồi. Từ năm học lớp Đệ tam, tôi đã say mê nghiên cứu sách của Giáo sư Lê Hữu Mục, Khảo luận về Khái Hưng, Nhất Linh, xuất bản trong những năm 1955, 1956.
Tôi nhận lời. Sau đó, chúng tôi bàn nhau rất nhiều về phương pháp biên soạn, cuối cùng đã thống nhất qua các giai đoạn sau đây:
1/ Về chọn đề tài: có hai đề án sẽ được thực hiện là Nhà Văn Phê Bình và Một Thế Kỷ Thi Ca. Hai đề tài này, anh Mộng Bình Sơn đã có sẵn tài liệu.
2/ Ấn định phạm vi khảo luận:
– Với Nhà Văn Phê Bình, giới hạn khảo cứu trong thế hệ 1932 – 1945 qua các đối tượng, gồm 18 vị thuộc Nhà văn Phê bình: Phan Khôi, Nguyễn Văn Tố, Thiếu Sơn, Trần Thanh Mại, Lê Thanh, Trương Chính, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Bách Khoa (Trương Tửu), Hoàng Ngọc Phách (Song An), Phan Trần Chúc, Hoài Thanh, Ngô Tất Tố, Đào Duy Anh, Kiều Thanh Quế, Hải Triều, Lam Giang, Hoa Bằng.
– Với Một Thế Kỷ Thi Ca, anh Mộng Bình Sơn đề nghị viết thành 4 quyển:
Thi Ca Việt Nam Thời Cần Vương (1885 – 1900)
Thi Ca Việt Nam Thời Tiền Chiến (1932 – 1945)
Thi Ca Việt Nam Thời Kháng Chiến (1945 – 1975)
Thi Ca Việt Nam Hiện Đại (1975 – 1997)
Tôi đề nghị, đã là “Một Thế Kỷ Thi Ca” không nên bỏ sót một giai đoạn văn học quan trọng, đó là Thi Ca Việt Nam Thời Phát Triển Chữ Quốc Ngữ (1900 – 1932), vì thời gian đó xuất hiện những thi gia nổi tiếng như Tản Đà, Trần Tuấn Khải, Tương Phố, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh,… và những cây viết nòng cốt của hai tờ báo lớn thời ấy là Đông Dương Tạp Chí và Nam Phong Tạp Chí. Còn 2 quyển Thi Ca Thời Kháng Chiến (1945 – 1975) và Thời Hiện Đại (1975 – 1997), tạm gác, vì với hoàn cảnh hiện tại (1992) rất khó viết theo lương tâm của người cầm bút.
Anh Mộng Bình Sơn viện dẫn, thế hệ 1913 – 1932, anh không có sẵn tài liệu tham khảo, phải có thời gian sưu tầm.
Cuối cùng, chúng tôi thỏa thuận, hiện thời chỉ nên thực hiện 2 quyển: Thời Cần Vương và Thời Tiền Chiến; còn 3 quyển kia sẽ tính sau.
Nhà văn Mộng Bình Sơn Phan Canh và tôi
Ảnh chụp tại phòng viết của Anh ấy
ở Quận 8 (Sài Gòn), vào tháng 6 năm 1993
Mùa thu năm 1992, tập thi tuyển Tiếng Lòng của của tôi ra đời (chép tay và copy làm nhiều bản), Nhà văn Mộng Bình Sơn nhận viết Bài khảo luận gồm 13 trang đánh máy:
Dưới đây, trích phần cuối, gồm các trang 11, 12, 13
Trang 13
Mùa đông năm Nhâm Thân (1992), Nhà văn Phan Canh Mộng Bình Sơn (sinh năm 1923) chuẩn bị đón tuổi thất tuần vào năm Quý Dậu (1993), Anh làm bài xướng Thất Tuần Hoài Cảm, gửi tất cả bạn bè xa gần họa trước, để kịp đánh máy đóng tập, ra mắt vào dịp xuân Quý Dậu. Tập thơ có 23 thi hữu tham gia, theo thứ tự gồm: Mai Khê, Việt Thao, Hồng Tâm, Thanh Châu, Mịch La Phong, Thạch Khê, Mặc Vị Nhân, Duy An, Tùng Linh (Trần Minh Tân), Phong Châu, Mạnh Cử, K.H, Xuân Trung, Dương Hồng Xuân, Song Giang (Phạm Đình Lai), Thanh Tâm Trường, Thành Đạt, Thái Nhơn (Đặng Hữu Vinh), Khuyết danh, Định Ban, Giao Yên, Hoài Hương (Lưu Đình Hòe), Lương Quang (Năm Hưng).
KỶ NIỆM THẤT TUẦN
Bài xướng của Mộng Bình Sơn
Tiếng gà giục nở nụ hoa xuân,
Gió thoảng song thưa buổi thất tuần.
Mực ướp hương lòng nuôi vọng tưởng,
Bút xây vườn mộng khép gian truân.
Chén quỳnh lắng đọng mùi dâu bể,
Sự nghiệp vơi đầy chuyện thế nhân.
Cánh nhạn về đâu trao gởi nhớ,
Đàn ai réo rắc giọng tri âm.
Xuân Quý Dậu (1993)
ĐƯỜNG BÚT
Họa bài Kỷ Niệm Thất Tuần của
Nhà biên khảo Mộng Bình Sơn
Thênh thang đường bút mở trời xuân,
Dòng chảy miên man vượt bách tuần.
Thắp sáng hoa đèn đâu ngại khó,
Giữ thơm lòng trúc sá gì truân.
Sờn vai dâu bể dồn tâm sự,
Lắng cuộc thăng trầm luận trí nhân.
Lưu mãi với đời ba thước sách,
Đi vào Văn học điệu giai âm.
Sài Gòn, 15- 10- 1992
VIỆT THAO họa
Năm 1993, tôi bận lo việc xuất cảnh, trong lúc công việc biên soạn phần tôi đã xong tác phẩm “Nhà Văn Phê Bình”; nhưng với “Thi Ca Việt Nam Thời Cần Vương” còn dở dang. Tôi làm bài thơ cáo lỗi:
THƠ THAY THƯ
Thân gửi anh Mộng Bình Sơn
Viết chung tác phẩm chưa thành,
Cũng là định mệnh tôi đành ra đi.
Nhưng nào có chuyện chia ly,
Bút ta còn chảy dễ gì xa nhau.
Sài Gòn, ngày 9- 5- 1993
Trong những ngày cuối tháng 6, tôi chuẩn bị rời Việt Nam, Anh trao toàn bộ các tạp chí văn học xuất bản trong tiền bán Thế kỷ 20 (mà Anh đã chọn lọc, đánh máy và đóng tập) cho tôi copy đem theo làm tài liệu, gồm: An Nam Tạp Chí (1926 – 1933), Phụ Nữ Tân Văn (1929 – 1934), Phong Hóa (1932 – 1935), Tiểu Thuyết Thứ Bảy (1934 – 1936), Loa (1934), Ngày Nay (1936 – 1940), Tràng An (1935), Hà Nội Báo (1936), Ích Hữu (1936), Tao Đàn (1939), Tri Tân (1941 – 1945). Là những tài liệu quý cho việc viết Văn Học Sử Việt Nam Thời Cận Đại. Thành thật cảm ơn Anh với lòng quý mến.
Một ngày vào đầu tháng 7, Anh đến thăm tôi tại nhà 19 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, và tặng tôi một kỷ vật mang ý nghĩa về cái nghiệp cầm bút. Đó là chiếc thuyền, một người đứng cuối thuyền hai tay nắm chặt mái chèo trong tư thế chèo lái, phía mũi thuyền lại gắn cây bút, tượng trưng cho cây sào chèo chống con thuyền lướt nhanh trên sóng nước. Khoang thuyền, hình con khủng long bụng phình ra, như một nhà kho chứa sách tham khảo. Ý Anh nhắn nhủ tôi, mặc dù ra hải ngoại, nơi đất khách quê người, vẫn tiếp tục với ngòi bút biên khảo. Trên mạn thuyền có tấm bảng màu xanh, khắc dòng chữ “Mộng Bình Sơn (hàng trên) Lưu Niệm (hàng dưới).” Tôi trân quý Kỷ vật ấy, và trang trọng đặt vào kệ sách suốt 28 qua, nhắc nhở tôi cái nghiệp biên khảo cho đến hơi thở cuối cùng.
Ngày 8 tháng 7 năm 1993 tôi đến Mỹ, định cư ở thành phố San Jose (CA). Nhưng mãi đến 57 ngày sau, kể từ khi rời VN, tức ngày 3- 9- 1993 mới nhận được bức thư đầu tiên anh Mộng Bình Sơn gửi sang, dài 2 trang giấy khổ lớn (giấy manh). Thời ấy thư từ qua lại giữa Việt Nam và Mỹ rất chậm.
Bức thư thứ 1, trang 1, trích đoạn đầu
Bức thư thứ 1, trang 2, trích đoạn cuối
Đến ngày 1 tháng 1 năm 1994, nhận thư thứ hai của Anh, dài 4 trang; nhưng trong phạm vi bài này, trích hết trang 1, và trích đoạn các trang 2 & 4:
Bức thư thứ 2, trang 1
Bức thư thứ 2, trang 2, trích đoạn giữa
Bức thư thứ 2, trang 3, hai dòng đầu
Bức thư thứ 2, trang 4, trích đoạn giữa
Như đã nói trên, công trình biên soạn “Thi Ca Việt Nam Thời Cần Vương” dở dang. Vì thế ngày 15- 11- 1994, tôi phải trở về Sài Gòn, lưu lại 8 tháng 22 ngày mới viết xong Phần I: Hoàn Cảnh Lịch Sử và Đặc Điểm (dài 35 trang viết tay), Phần III: Thi Nhân (dài 488 trang viết tay trên khổ giấy 8,5 X 11 inches), tổng cộng 523 trang, để trọn tình, trọn lời hứa với anh Mộng Bình Sơn.
Phần việc tôi đã xong, hoàn tất Phần I & III. Tôi copy bản thảo rồi đến trao cho Anh. Anh Mộng Bình Sơn còn tiếp tục viết Phần II: Thi Ca, và Phần IV: Tổng Luận, thì tác phẩm mới hoàn thành.
Có điều đáng tiếc, nhà xuất bản không nhận bản thảo viết tay, buộc phải nộp bản đánh máy. Công đoạn đánh máy cũng thuận tiện và nhanh chóng, vì sẵn có người cháu gái của anh Mộng Bình Sơn ở chung nhà, là một đả tự viên chuyên nghiệp. Nhưng máy đánh chữ của Anh không thể viết chữ Nho, vì thế với những bài thơ nguyên tác bằng chữ Nho, chỉ chép phần phiên âm.
Khoảng cuối tháng 5 – 1995, phần tôi biên soạn xong,
copy bản thảo 523 trang viết tay, và trao cho Anh để đánh máy.
Trong những ngày tôi sắp trở lại Hoa Kỳ, có bài thơ viết gửi Anh với cả tấm lòng quý mến:
THĂM ANH
Gặp nhau
Còn được mấy lần?
Xe đông
Đường kẹt
Tình thâm với tình.
Và trong dòng chảy
Chúng mình:
Nửa thương Quê Mẹ,
Nửa sầu Nước Non…
Sài Gòn, ngày 1- 6- 1995.
Và cái gì đến, phải đến! Ngày 22- 6- 1995 tôi trở qua Mỹ, trong lưu luyến chia tay.
Nhưng rồi, ngày 22- 6- 1997, vợ chồng tôi về Quê hương trong 2 tháng lo việc cải táng và xây mộ ông bà và cha mẹ. Tôi dành tuần lễ đầu thăm các bạn ở Sài Gòn, được dịp hàn huyên với anh Mộng Bình Sơn một lần nữa, rồi mới về quê.
Hình trái, tại nhà Phan Canh, Anh Chị ngồi giữa vợ chồng tôi
Hình mặt, tại nhà tôi: Phan Canh, chị Hoa Phương, Thạch Khê, Khưu Chương Cừu.
Ngày 12- 3- 2002, trong chuyến về thăm Quê hương lần thứ 3, anh Phan Canh và tôi được dịp hàn huyên một lần nữa. Không ngờ đó là lần gặp gỡ cuối cùng, vì 9 năm sau Anh từ trần.
Mùa hạ năm 2011, nghe tin Mộng Bình Sơn mất, tôi vô cùng xúc động, liền gọi điện thoại người cháu vợ của Anh là nhà văn Trần Thiên Tường ở San Francisco, phân ưu; mới biết được bà Mộng Bình Sơn mất trước ông chừng 1 năm. Cũng nên nói thêm, anh Thiên Tường, gọi phu nhân của nhà văn Mộng Bình Sơn, bằng cô ruột (cô Sáu).
Rồi trong chuyến về thăm cố hương lần thứ tư, từ ngày 21- 03- 2015 đến 17- 04- 2015; và đây là lần về Quê cuối cùng, vì tuổi tôi đã cao. Trước khi trở lại Mỹ, ngày 14- 4- 2015, tôi có ghé nhà anh Mộng Bình Sơn ở 169 đường Dương Bá Trạc (Sài Gòn) để thắp nén hương trên bàn thờ Anh, và định nhờ người nhà dẫn đi thăm mộ. Nhưng hỡi ôi! Nhà đã bán. Không còn một dấu vết gì của ngày xưa. Chủ mới cho triệt hạ toàn bộ nhà cũ, và đang xây cất nhà đúc.
Tôi đành đứng trên lề đường trước căn nhà này, thầm vái qua nén hương lòng: Kính thưa Nhà Văn, đời người là hữu hạn, nhưng sự nghiệp văn học của Anh thật là đồ sộ, nào Biên khảo, Từ điển, Kiếm hiệp, Tiểu thuyết, Thi ca… đã phổ biến trong nước và hải ngoại, sẽ sống mãi với thế gian. Và xin thưa, tôi sẽ viết một đề tài tưởng niệm về Anh.
Chúng ta có chung nhiều kỷ niệm, đã chung nhau làm việc trong một thời gian dài, đã hiểu nhau, và thường thư từ qua lại. Vì thế, tôi biết rất nhiều về công trình biên soạn và sáng tác của Anh.
Giờ đây, với lòng tưởng nhớ đến Anh, tôi xin mạn phép hệ thống thư mục của Anh đã đóng góp cho nền Văn Học Việt Nam, theo thứ tự theo ABC:
01/ Âm Dương Giới, dịch sách Tàu, trọn bộ 4 cuốn, gồm 73 hồi; Sài Gòn, nxb Trung Thành, trước 1975. Ký bút hiệu Phan Cảnh Trung.
02/ Anh Hùng Xạ Điêu, dịch từ bộ sách kiếm hiệp của Kim Dung (Tàu), gồm 8 cuốn; Sài Gòn, nxb Hương Hoa, 1967. Ký bút hiệu Phan Cảnh Trung.
03/ Ảnh Hưởng Kinh Dịch Trong Văn Học Và Cuộc Sống, sách dày 407 trang; Sài Gòn, nxb Văn Học, 1996. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
04/ Ánh Thép Lũng Nhai (tức Cổ Kiếm Kỳ Thư, Phần 3), tiểu thuyết kiếm hiệp dã sử Việt Nam, dày 566 trang; Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1994. Ký bút hiệu Phan Cảnh Trung.
05/ Bá Tước Kích Tôn Sơn, dịch sách Pháp, gồm 2 cuốn; Sài Gòn, Sống Mới, trước năm 1975. Ký bút hiệu Hồng Trung.
06/ Báo Chí Việt Nam Thời Tiền Chiến (Sự xuất hiện các tờ báo và hình thành các cuộc tranh luận trong thế hệ 1932). Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
07/ Bóng Hoa Rừng, tiểu thuyết dã sử, viết về cuộc đời và sự nghiệp ứng nghĩa Cần Vương kháng Pháp của Nguyên soái Mai Xuân Thưởng; Sài Gòn, nxb Tấn Phát ấn hành cuối thập niên 1950. Ký bút hiệu Hồng Trung.
08/ Chung Vô Diệm, dịch và biên khảo tiểu thuyết dã sử nước Tàu trong thời Chiến Quốc; Sài Gòn, nxb Văn Học, 2009. Sách dày 848 trang, ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
09/ Cô Phụ Thâm Cừu, tiểu thuyết kiếm hiệp dã sử Việt Nam, gồm 3 cuốn; nxb Sông Bé, 1991. Ký bút hiệu Phan Cảnh Trung.
10/ Cuộc Đời Một Đứa Bé, dịch sách Pháp; Sài Gòn, Sống Mới, trước 1975. Ký bút hiệu Hồng Trung.
11/ Diệp Gia Kiếm, tiểu thuyết kiếm hiệp dã sử Việt Nam, gồm 2 cuốn; nxb Tiền Giang, 1991. Ký bút hiệu Phan Cảnh Trung.
12/ Duy Trung Luận; Phạm Quang Cảnh – Phan Canh; Sài Gòn, nxb Liên Hữu, trước 1975. Loại Triết học, bàn về ý thức trung dung trong quan niệm triết Đông, sách dày 250 trang.
13/ Đạo Học Và Khoa Học; Sài Gòn, nxb Liên Hữu, trước 1975 tái bản nhiều lần. Ký tên thật Phan Canh. Loại sách Triết học, dày 180 trang, khảo luận về hai dòng tư tưởng: Triết Đông chủ trương xây dựng con người, và Triết Tây chủ trương xây dựng cuộc sống.
14/ Điển Tích Chọn Lọc, loại Văn học dày 346 trang; Sài Gòn, nxb Tổng Hợp, 1989. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
15/ Đông Chu Liệt Quốc (dịch thuật, biên khảo), có lời bình và chú dẫn; Sài Gòn, nxb Hương Hoa, 1963 – 1975. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
16/ Độc Long Cốc, dịch sách kiếm hiệp của Tàu; Sài Gòn, nxb Nam Thành, trước 1975. Ký bút hiệu Phan Cảnh Trung.
17/ Độc Thủ Thần Đao, tiểu thuyết kiếm hiệp dã sử Việt Nam, gồm 3 cuốn; nxb Sông Bé, 1991. Ký bút hiệu Phan Cảnh Trung.
18/ Đời Người Và Lẽ Sống, 1998. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
19/ Đời Người Và Sự Nghiệp, 1998. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
20/ Đơn Đao Hiệp Hành, tiểu thuyết kiếm hiệp dã sử Việt Nam, gồm 3 cuốn; nxb Sông Bé, 1991. Ký bút hiệu Phan Cảnh Trung.
21/ Gió Lộng Cờ Đào, Lịch sử ký sự nói về thân thế, sự nghiệp và thiên tài quân sự của Hoàng đế Quang Trung, gồm 2 cuốn, tổng cộng 560 trang; nxb Tiền Giang, 1989. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
22/ Hai Mươi Ngàn Dặm Dưới Đáy Biển, dịch sách Pháp; Sài Gòn, nxb Sống Mới, 1960 – 1963, tái bản hai lần, lần sau nxb Sống Mới đổi bút hiệu Hồng Trung thành Phan Quân.
23/ Hán Sở Tranh Hùng (dịch thuật, biên khảo) gồm 48 hồi, dày 557 trang, có lời bình và chú thích; Sài Gòn, nxb Hương Hoa, 1963 – 1975. Sau năm 1975: nxb Trẻ tái bản, 1989; nxb Văn Học tái bản, 2003. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
24/ Hắc Kỳ Thảo Khấu, tiểu thuyết kiếm hiệp dã sử Việt Nam, gồm 2 cuốn; nxb Cà Mau, 1990. Ký bút hiệu Phan Cảnh Trung.
25/ Hiệp Khách Giai Nhân, tiểu thuyết kiếm hiệp dã sử Việt Nam (phỏng tác phim truyện Tàu), gồm 3 cuốn; nxb Tiền Giang, 1991. Ký bút hiệu Phan Cảnh Trung.
26/ Hoa Mùa Trăng (Phong tục ký sự về lệ làm chay đổ giàn ở Chùa Bà An Thái, Bình Định); nxb Tiền Giang, 1989. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
27/ Hồng Điệp Ngọc Trâm (tức Cổ Kiếm Kỳ Thư, Phần 2) tiểu thuyết kiếm hiệp dã sử Việt Nam; Sài Gòn, nxb Tổng Hợp TP/HCM. Ký bút hiệu Phan Cảnh Trung.
28/ Huyết Kiếm Ma Hoa, dịch sách kiếm hiệp của Tàu, trọn bộ gồm 3 tập; Sài Gòn, nxb Trung Thành, trước 1975. Ký bút hiệu Phan Cảnh Trung. Sau năm 1975: Hà Nội, nxb Thể Dục Thể Thao tái bản, 2005.
29/ Khuynh Hướng Thi Ca Tiền Chiến; Nguyễn Tấn Long – Phan Canh; Sài Gòn, Sống Mới xuất bản trước 1975; và sau năm 1975, tại Mỹ, nxb Xuân Thu (California) tái bản. Loại sách khảo cứu văn học, phân tích những biến cố văn học của thế hệ 1932 – 1945 qua bộ môn thi ca, hình thành các khuynh hướng thi ca, và bùng nổ cuộc bút chiến giữa Thơ cũ, Thơ mới.
30/ Kim Cổ Kỳ Quan, dịch sách Tàu; Sài Gòn, Tấn Phát xuất bản, ký bút hiệu Hồng Trung; Khai Trí tái bản, trước 1975, đổi bút hiệu Hồng Trung thành Phan Hồng Trung.
31/ Lạc Viên Nữ Hiệp, gồm 3 cuốn; nxb Tiền Giang, 1991. Ký bút hiệu Phan Cảnh Trung.
32/ Liều Thuốc Ngoại Tình, gồm các bài nghiên cứu về tâm lý ái tình qua lăng kính triết học và xã hội học, đăng trên tuần san Phụ Nữ Ngày Nay, được in thành sách; Sài Gòn, nxb Sống Mới, trước 1975. Ký bút hiệu Hồng Trung.
33/ Linh Quy Thần Kiếm, tiểu thuyết dã sử dựa theo truyền thuyết dân gian Việt Nam về sự tích hồ Hoàn Kiếm; nxb Tiền Giang ấn hành, 1989; Sài Gòn, nxb Văn Học tái bản, 2003. Ký bút hiệu Phan Cảnh Trung.
34/ Lời Hay Ý Đẹp, biên soạn năm 1996. Ký tên thật Phan Canh.
35/ Luận Cổ Suy Kim (trích dẫn và bình luận những tấm gương người xưa, từ Tam Quốc Chí và các truyện Tàu khác, để suy ngẫm đến cuộc sống hiện tại), sách gồm 6 cuốn; Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1992. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
36/ Nam Bắc Môn, dịch từ bộ sách kiếm hiệp của Tàu, gồm 4 cuốn; Sài Gòn, nxb Trung Thành, trước 1975. Ký bút hiệu Hùng Phương. Sau năm 1975: Hà Nội, nxb Thể Dục Thể Thao tái bản, 2006.
37/ Ngàn Lẻ Một Đêm, dịch sách tiếng Pháp, gồm 3 cuốn, 872 trang; Sài Gỏn, nxb Sống Mới, trước 1975, tái bản nhiều lần. Từ năm 1996, các lần tái bản đổi bút hiệu Hồng Trung thành Mộng Bình Sơn.
38/ Ngũ Độc Thư Sinh, tiểu thuyết kiếm hiệp, gồm 2 cuốn; Sài Gòn, nxb Sống Mới, trước 1975. Ký bút hiệu Phan Cảnh Trung.
39/ Nhà Văn Phê Bình (Khảo cứu Văn học Việt Nam 1932 – 1945); Mộng Bình Sơn – Đào Đức Chương; Sài Gòn, nxb Văn Học, 1996. Kích cỡ sách 14×20 cm, dày 350 trang, khảo cứu về phương pháp phê bình của 18 nhà phê bình văn học thuộc thế hệ 1932 – 1945.
Xuất bản năm 1996
40/ Nhạc Phi Diễn Nghĩa (dịch thuật, biên khảo), loại sách Lịch sử và Quân sự, truyện xảy ra trong đời nhà Tống, gồm 80 hồi; Sài Gòn, nxb Hương Hoa, 1963 – 1975. Sau năm 1975, nxb Tiền Giang tái bản in thành 4 cuốn, 1989. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
41/ Những Kẻ Khốn Nạn, dịch từ sách “Les Misérables” của Victor Hugo, gồm 2 cuốn; Sài Gòn, Sống Mới, trước 1975. Ký bút hiệu Hồng Trung.
42/ Ôn Cố Tri Tân – Những Tấm Gương Phản Chiếu Muôn Đời Trong Truyện Đông Châu Liệt Quốc, là loại sách bình khảo, gồm 3 cuốn, dày 938 trang; Sài Gòn, nxb Sống Mới, 1967; sau năm 1975 nxb Đồng Tháp trích lọc tái bản còn 1 cuốn, và vẫn ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
43/ Phong Thần Diễn Nghĩa (dịch thuật, biên khảo), truyện Trụ Vương Đắc Kỷ, gồm 100 hồi, chia làm 4 tập, có lời bình và chú thích; Sài Gòn, nxb Hương Hoa, 1963 – 1975; nxb Kiên Giang tái bản lần đầu, 1989; nxb Đồng Tháp tái bản lần hai, 1992; nxb Văn Học và nxb Đồng Tháp tái bản lần ba, 1994. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
44/ Phong Tình Cổ Lục (tình sử Vương Thúy Kiều); Sài Gòn, nxb Văn học, 2000. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
45/ Qủy Bảo, dịch từ bộ sách kiếm hiệp của Tàu, gồm 4 cuốn; Sài Gòn, nxb Trung Thành, trước 1975. Ký bút hiệu Hùng Phương.
46/ Quỷ Cung; dịch từ bộ sách kiếm hiệp của Tàu, gồm 4 cuốn; Sài Gòn, nxb Nam Thành, trước 1975. Ký bút hiệu Phan Cảnh Trung.
47/ Sát Nhân Chi Ca, dịch từ bộ sách kiếm hiệp của Tàu, gồm 4 cuốn; Sài Gòn, nxb Trung Thành ấn hành, trước 1972; và nxb Vạn Lợi tái bản, 1972. Ký bút hiệu Phan Cảnh Trung.
48/ Song Anh Nữ Hiệp, tiểu thuyết kiếm hiệp dã sử Việt Nam, gồm 2 cuốn, đề cập đến Nguyên soái Mai Xuân Thưởng lãnh tụ Phong trào Cần Vương ở Bình Định; nxb Tiền Giang, 1989. Ký bút hiệu Phan Cảnh Trung.
49/ Sóng Gợn Hồ Gươm (Lịch sử truyện ký nói về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi); nxb Mũi Cà Mau, 1985. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
50/ Sử Ký Tư Mã Thiên Bình Khảo, 1997. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
51/ Tam Hạ Nam Đường (truyện Tàu); Sài Gòn, nxb Văn Học, 2000. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
52/ Tam Quốc Diễn Nghĩa (dịch thuật, biên khảo), có đủ lời bình của Mao Tôn Cương Kim Thánh Thán, và những quan niệm của người thời nay. Sách có 120 hồi, dày 1200 trang, chia làm 2 cuốn; Sài Gòn, nxb Hương Hoa, 1963 – 1975. Sau năm 1975, nxb Văn Học tái bản. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
53/ Tái Sanh Duyên, còn gọi là Sự Tích Mạnh Lệ Quân (sách dịch thuật, biên khảo) gồm 74 hồi, có lời bình và chú thích; Sài Gòn, nxb Hương Hoa, 1963 – 1975; nxb Long An tái bản, 1985. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
54/ Tây Du Ký Bình Khảo (dịch thuật, biên khảo), gồm 100 hồi, có lời bình và chú thích theo phương pháp mới; Sài Gòn, Khai Trí ấn hành, 1962. Ký bút hiệu Phan Quân.
55/ Thác Loạn, tiểu thuyết xã hội, diễn tả tâm tình của tuổi học trò ở Qui Nhơn trong những năm 1939 – 1945; Sài Gòn, nxb Tấn Phát ấn hành cuối thập niên 1950. Ký bút hiệu Hồng Trung.
56/ Thần Điêu Đại Hiệp, dịch từ bộ sách kiếm hiệp của Kim Dung (Tàu), gồm 7 cuốn; Sài Gòn, nxb Sống Mới, trước 1975. Ký bút hiệu Phan Cảnh Trung.
57/ Thi Ca Bình Dân Việt Nam; Nguyễn Tấn Long – Phan Canh, trọn bộ 4 cuốn; Sài Gòn, nxb Sống Mới, trước 1975. Loại sách sưu tầm và biên khảo, góp nhặt hầu hết tục ngữ và ca dao, từ đó luận định tư tưởng dân tộc Việt Nam qua ba quan niệm:
– Tập I: Khảo luận về Vũ trụ quan của dân gian đối với cuộc sống bản thân.
– Tập II: Khảo luận về Xã hội quan của dân gian đối với xã hội.
– Tập III: Khảo luận về Vũ trụ quan của dân gian đối với hiện tượng thiên nhiên.
– Tập IV: Khảo luận về quan niệm qua ca hát của dân gian đối với các thể loại ca xướng.
Sau năm 1975, nxb Văn Học tái bản, 1993, bỏ bớt một phần, rút lại chỉ còn 1952 trang, chia thành 3 cuốn.
58/ Thi Ca Việt Nam Thời Cần Vương, 1885 – 1900, sách khổ 19×26 cm, dày 455 trang; Phan Canh – Đào Đức Chương; Sài Gòn, nxb Văn Học, 1997.
Xuất bản năm 1997
59/ Thi Ca Việt Nam Thời Hậu Chiến, 1975 – 2000, Phan Canh biên soạn.
60/ Thi Ca Việt Nam Thời Kháng Chiến, 1945 – 1975; Phan Canh biên soạn.
61/ Thi Ca Việt Nam Thời Tiền Chiến, gồm 4 cuốn, mỗi cuốn dày chừng 500 trang; Sài Gòn, Sống Mới xuất bản chỉ mới cuốn 1 & 2, trước 1975, thì bị đình bản. Ký tên thật Phan Canh.
62/ Thi Nhân Việt Nam, Thế hệ 1953 – 1975; Nguyễn Tấn Long – Phan Canh; Sài Gòn, nxb Sống Mới, 1975.
63/ Thiết Thư Trúc Kiếm, dịch từ bộ sách kiếm hiệp Hồng Kông (Tàu), gồm 4 cuốn; Sài Gòn, nxb Sống Mới, trước 1975. Ký bút hiệu Hùng Phương.
64/ Thơ Và Nghệ Thuật Làm Thơ (khảo cứu và phân tích); Sài Gòn, Khai Trí ấn hành, khoảng 1960 – 1963. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
65/ Thủy Hử (dịch thuật), dày 700 trang; Sài Gòn, nxb Hương Hoa, 1963 – 1975. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
66/ Thuyền Về Bến Ngự (tiểu thuyết tình cảm xã hội), gồm 2 cuốn; nxb Tiền Giang, 1989. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
67/ Thuyết Đường, dịch tiểu thuyết dã sử nước Tàu, gồm 27 hồi; Sài Gòn, nxb Văn Học. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
68/ Tiên Hạc Thần Kim, dịch từ bộ sách kiếm hiệp của Kim Dung (Tàu), mới phát hành 4 cuốn thì ngưng; Sài Gòn, nxb Sống Mới, trước 1975. Ký bút hiệu Phan Cảnh Trung.
69/ Tiết Nhơn Quý Chinh Đông (dịch thuật, biên khảo); Sài Gòn, nxb Hương Hoa, 1963 – 1975. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
70/ Tìm Hiểu Đạo Học Đông Phương, khảo cứu văn học, Phan Canh biên soạn 2001.
71/ Tìm Hiểu Lịch Sử Triết Học Tây Phương; Phan Canh biên soạn năm 2002.
72/ Tìm Hiểu Phong Thổ Học, Qua Quan Niệm Triết Đông (sách nghiên cứu sưu khảo về Địa lý Phong thủy), 1997. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
73/ Tình Sử Võ Tắc Thiên (truyện Tàu); Sài Gòn, nxb Văn Học, 2000. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
74/ Truyện Cổ Tích Việt Nam Bình Khảo, 1997. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
75/ Trường Sơn Kiếm Khách, tiểu thuyết dã sử võ hiệp Việt Nam, cốt truyện dựa theo sách Quỷ Bảo của tác giả xuất bản trước 1975. Ký bút hiệu Hùng Phương.
76/ Từ Điển Danh Ngôn (sưu tập hơn 10.000 câu danh ngôn của các danh nhân từ cổ chí kim); nxb Thanh Hóa, 2007. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
77/ Từ Điển Hán Việt, Phan Canh biên soạn 1996.
78/ Từ Điển Tiếng Việt; nxb Mũi Cà Mau, 1997. Ký tên thật Phan Canh.
79/ Tự Điển Bỏ Túi, Pháp Việt, Việt Pháp, Việt Nam; Sài Gòn, nxb Sống Mới, trước 1975. Ký tên thật Phan Canh.
80/ Từ Hy Thái Hậu (tiểu thuyết lịch sử, ký sự), gồm 2 cuốn: viết về giai đoạn cuối triều Mãn Thanh ở nước Tàu, có liên quan đến cuộc Cách mạng của Tôn Văn và thời kỳ thành công của chủ nghĩa Cách mạng. Xuất bản lần đầu: Sài Gòn, nxb Sống Mới, 1968. Sau năm 1975: nxb Tiền Giang tái bản, loại bỏ phần diễn tiến cuộc Cách mạng Quốc Dân Đảng, chỉ lấy phần tình ái dâm loạn và quyền uy của Từ Hy, rồi tách ra làm 3 quyển lấy tựa đề: Huyền Sử Thâm Cung, Giấc Mộng Vương Phi, Ngày Tàn Ngôi Báu. Vẫn ký bút hiệu Mộng Bình Sơn. Đến năm 2010 nxb Văn Hóa Thông Tin tái bản lần nữa quyển Từ Hy Thái Hậu Giấc Mộng Vương Phi.
Nếu không tìm ra một tác phẩm nào xuất bản, hoặc tái bản sau quyển sách này, thì có thể coi như Nhà văn Mộng Bình Sơn cho xuất bản lần này (năm 2010) là cuối cùng, vì đến giữa năm 2011 Anh từ trần.
81/ Tử Vong Động, dịch từ bộ sách kiếm hiệp của Tàu, gồm 3 cuốn; Sài Gòn, nxb Nam Thành, trước 1975. Ký bút hiệu Phan Cảnh Trung.
82/ U Vương Quỷ Điện, tiểu thuyết kiếm hiệp gồm 33 hồi; Sài Gòn, nxb Nam Thành, trước 1975. Ký bút hiệu Phan Cảnh Trung.
83/ Vạn Huê Lầu Diễn Nghĩa (truyện Tàu, gồm 47 hồi); Sài Gòn, nxb Văn Học, 2000. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
84/ Văn Học Và Sáng Tác Văn Học, 2001. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
85/ Vòng Quanh Thế Giới 80 Ngày, dịch sách Pháp; Sài Gòn, nxb Sống Mới. trước 1975. Ký bút hiệu Hồng Trung.
86/ Vô Tình Cốc, dịch từ bộ sách kiếm hiệp của Hồng Kông (Tàu), gồm 3 cuốn; Sài Gòn, nxb Nam Thành, trước 1975. Ký bút hiệu Phan Cảnh Trung.
87/ Xuân Thu Chiến Quốc, trọn bộ 2 tập, dày 866 trang, nội dung rút ra từ hai bộ sách truyện Tàu: Xuân Thu Oanh Liệt và Phong Kiếm Xuân Thu); Sài Gòn, nxb Văn Học, 1999. Ký bút hiệu Mộng Bình Sơn.
Có thể nói, Anh là một trong những nhà văn có nhiều bút hiệu nhất và đóng góp nhiều tác phẩm nhất. Chính giới văn học cũng công nhận Mộng Bình Sơn là nhà văn tiên phong khai sinh ra tiểu thuyết kiếm hiệp Việt Nam.
Về sự nghiệp văn học của nhà văn Mộng Bình Sơn là thế, còn về gia thế và thân thế của Anh thì sao? Trong thời gian chúng tôi viết chung tác phẩm, anh Mộng Bình Sơn tiếp tôi trên phòng viết để được yên tĩnh, là một căn gác sàn gỗ xinh xinh, ba mặt đều có cửa sổ lắp kính nên vẫn sáng sủa ngay cả lúc trời mưa to gió lớn. Nơi đó, đôi lần Anh tâm sự về cuộc đời thăng trầm đã trải qua: Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, đông con, ở xóm Thọ Sơn, thôn Thọ Lộc, tổng Nhơn Ngãi, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định. Lúc nhỏ Anh có học chữ Nho, rồi theo tân học, đỗ bằng Thành chung và tiếp tục học lên, nhưng thi không đỗ Tú tài Tây. Vừa đến thời Việt Minh, năm 1946, Anh được chọn theo học lớp đào tạo cán bộ Tư pháp tại Bồng Sơn, rồi được bổ làm Thẩm phán tại Tòa án tỉnh Phú Yên. Ít lâu sau, Anh bỏ chức, trôi nổi ở Sài Gòn một thời gian, rồi chuyển hướng vào sự nghiệp văn học. Từ ấy, Anh sinh sống bằng chính ngòi bút của mình, và lập gia đình với bà Trần Thị Kim Dung, vợ chồng sống chung rất hạnh phúc, nhưng không con. Bà Dung là con gái thứ 6 của cụ Trần Phi Phụng, gốc người làng Lệ Uyên, Sông Cầu, Phú Yên. Cụ Phụng vào Sài Gòn từ thời Pháp thuộc, lập nên cơ ngơi ở Bình Triệu, trên Quốc lộ 13 đi Thủ Đức. Anh Phan Canh cũng là anh em đồng hao với nhà làm phim Bùi Xuân Dung lấy bà Trần Thị Ngọc Thanh (em gái thứ 8). Trong thời VNCH, ông Dung sáng lập hãng phim Việt Ảnh, rất thành công với phim “Như Giọt Sương Khuya” mời hai diễn viên Trần Quang, Bạch Tuyết đóng vai chính, và nhạc sĩ Thiên Vũ, tức Trần Thiên Tường (cháu vợ của ông), viết nhạc nền, cũng lấy tiêu đề “Như Giọt Sương Khuya.”
Chân dung Nhà văn Phan Canh,
bút hiệu Mộng Bình Sơn (1923 – 2011)
Rồi trong những năm tháng còn lại, tuổi tác cao, sức khỏe suy giảm dần, Anh đã viết Lời Tự Tình, đúc kết cuộc đời mình qua 56 chữ của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật:
Tám chục xuân dư vẫn đượm tình,
Hương xuân còn đọng nợ phù sinh.
Đường mây từ thuở chen chân bước,
Hoa bút theo mùa trổ sắc xinh!
Lận đận hải hồ không biến đổi,
Lao đao thân thế vẫn kiên trinh.
Xuân sang đứng ngắm dòng sông chảy,
Hồi tưởng cuộc đời trải nhục vinh.
(Xuân Quý Mùi, 2003)
Mộng Bình Sơn
Tóm lại, Anh đã để lại cho đời 87 đầu sách xuất bản (không kể những tác phẩm xuất bản sau năm 2003 chưa cập nhật hết được, những tác phẩm đã viết xong nhưng còn ở dạng bản thảo, và những đề tài viết dở dang), chia ra như sau:
– Bút hiệu Mộng Bình Sơn dành cho 34 tác phẩm và dịch phẩm, chiếm tỷ lệ 39,08%
– Bút hiệu Phan Cảnh Trung có 23 tác phẩm và dịch phẩm, tỷ lệ 26,43%;
– Ký tên thật Phan Canh, có 15 tác phẩm, chiếm tỷ lệ 17,24%;
– Bút hiệu Hồng Trung, có 10 tác phẩm và dịch phẩm, chiếm tỷ lệ 11,49%;
– Bút hiệu Hùng Phương, 4 tác phẩm và dịch phẩm, chiếm tỷ lệ 4,59%;
– Bút hiệu Phan Quân, 1 dịch phẩm, chiếm tỷ lệ 1,14%.
Nếu bút hiệu Hồng Trung đóng vai trò mở đầu cho sự nghiệp văn học bao gồm những dịch thuật từ sách Pháp, và sáng tác tiểu thuyết; thì bút hiệu lấy tên thật là Phan Canh dành cho những công trình nghiên cứu văn học quan trọng đầy giá trị hàn lâm; và bút hiệu Mộng Bình Sơn là bút hiệu chính bao gồm những sáng tác, khảo luận, dịch truyện Tàu. Ngoài ra, bút hiệu Phan Cảnh Trung phần lớn là dịch sách kiếm hiệp Tàu, và có vài tác phẩm tiểu thuyết dã sử nhưng cũng ảnh hưởng chất kiếm hiệp; còn hai bút hiệu nữa là Hùng Phương và Phan Quân hầu hết những dịch phẩm truyện kiếm hiệp của Tàu.
Ngưỡng mộ về sự nghiệp Văn học của Anh, một lần nữa, xin nhắc lại hai câu kết Bài họa Kỷ Niệm Thất Tuần mà tôi viết tặng Anh vào dip lễ thất tuần:
Lưu mãi với đời ba thước sách,
Đi vào Văn học điệu giai âm.
San Jose, ngày 26- 4- 2021
ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
Trích Chương IX: Duyên Tri Ngộ
trong tập Bước Đường Biên Khảo.