ĐỊA GIỚI – ĐỊA PHẬN QUY NHƠN XƯA & NAY

Phần II:

                                                                                    PHAN TRƯỜNG NGHỊ

            A  –  GIAI ĐOẠN TIỀN BÁN THẾ KỶ XX

            Ngày 30.4.1930 Toàn quyền Đông Dương Pierre Marie Antonie Pasquier ra Nghị định nâng Quy Nhơn làm Thành phố cấp III, địa giới được nới rộng về phía Tây, gồm thêm thôn Hưng Thạnh cũng của tổng Dương An phủ Tuy Phước. Bấy giờ Quy Nhơn chia làm 5 Khu phố (Quartier), dân gian gọi tắt là Khu. Khu 1 và 2 thuộc địa phận thôn Chánh Thành. Khu 3 và 4 thuộc địa phận thôn Cẩm Thượng, Khu 5 gồm một phần thôn Hưng Thạnh (là phần núi Bà Hỏa đổ ra đầm).

            Theo Quyết định ngày 02.7.1932 của Khâm sứ Trung kỳ Yves Charles Châtel, cụ thể địa giới thành phố Quy Nhơn quy chiếu theo hiện trạng ngày nay:

            + Khu 1: Tính ở phía Nam, từ mũi Tấn dọc theo biển đến đường Lê Lợi (đại lộ Khải Định xưa), theo đó đến ngã tư Lê Lợi với Tăng Bạt Hổ, theo Tăng Bạt Hổ (đại lộ Odend’hal xưa) hướng đến ngã tư Trần Cao Vân, rồi theo đường Trần Cao Vân (đường Dayot) đổ ra đầm Thị Nại.

            + Khu 2: Phía Đông tính từ biển theo đường Lê Lợi đến ngã tư Lê Lợi với Tăng Bạt Hổ. Phía Bắc là từ đây theo Tăng Bạt Hổ đổ về phía Tây làm nên ranh giới với Khu 3. Ranh giới của khu 2 về phía Tây tạm cho là đường Nguyễn Tất Thành bây giờ, phía Nam là giao lộ Nguyễn Tất Thành với đường Ngô Mây đổ ra eo Nín Thở.

            + Khu 3: Phía Đông giáp đầm Thị Nại đoạn từ đường Mai Xuân Thưởng đến Trần Cao Vân. Phía Nam là đường Tăng Bạt Hổ, tính từ ngã tư Trần Cao Vân chạy về hướng Tây. Phía Tây từ giao lộ Nguyễn Tất Thành với Trường Chinh hiện nay chạy lên giáp ngã tư Mai Xuân Thưởng. Từ đây hướng ra đầm Thị Nại tạo nên ranh giới phía Bắc với Khu 4 và Khu 5.

            + Khu 4: Giới phận Phía Bắc là phường Đống Đa ngày nay, phía Đông là đầm Thị Nại tính từ cầu Hà Thanh chạy đến đường Mai Xuân Thưởng (đường Henry Russier xưa). Phía Tây giáp núi. Ranh giới phía Nam là đường Mai Xuân Thưởng chạy về thôn Xuân Quang.

Trả lời