ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
Phần A
LỜI MỞ ĐẦU
Đề tài “Các Trường Trung Học Và Cao Đẳng Ở Tỉnh Bình Định Trong Thời Việt Nam Cộng Hòa” viết về 50 trường Trung học và Cao đẳng của tỉnh nhà, kèm theo 144 hình ảnh minh họa, trong khoảng thời gian từ 1955 – 1975. Danh sách các trường được xếp nhóm theo địa lý hành chánh, từ Nam ra Bắc, lần lượt: Thị xã Qui Nhơn (20 trường, từ trang 05 – 40), các quận: Tuy Phước (7 trường, từ trang 40 – 46), An Nhơn (6 trường, từ trang 46 – 73), Bình Khê (4 trường, từ trang 73 – 77), Phù Cát (3 trường, từ trang 77 – 78), Phù Mỹ (4 trường, từ trang 78 – 80), An Túc (1 trường, trang 80 – 81), Hoài Ân (2 trường, từ trang 81 – 83 ), Hoài Nhơn (2 trường, từ trang 83 – 88); Nha Tam Quan (1 trường, từ trang 88 – 90).
Bài viết dài đến 112 trang (ở dạng chữ Palatino Linotype, khổ chữ 12), với nhiều chi tiết. Xin mời bạn đọc xem trước phần Mục Lục ở cuối bài (từ trang 106 – 112 ), để có cái nhìn tổng quát, nắm vững từng chi tiết, và nhanh chóng tìm đến những tiết mục, hay hình ảnh nào mà bạn cần xem trước.
Sau đây, chúng tôi có vài lời trình bày cùng bạn đọc.
Khi viết đề tài này, chúng tôi gặp hai trở ngại lớn:
- Thứ nhất, tài liệu viết về các ngôi trường rất hiếm;
- Thứ hai, tất cả văn kiện từ tháng 4 năm 1975 về trước, được lưu trữ tại các trường, đều bị thất lạc.
Ngày nay, chúng tôi chỉ có vỏn vẹn tập sách “Ai Có Về Qui Nhơn” của Trần Đình Thái, do Tủ Sách Đẹp Quê Hương xuất bản, tại Sài Gòn, vào năm 1973. Một tài liệu biên soạn đầy khả tín vì căn cứ vào các văn kiện được lưu trữ, và tác giả còn đến tận nơi để khảo sát, phỏng vấn. Có thể nói, đây là quyển Địa phương chí 2 của tỉnh nhà thời ấy, sách dày 150 trang, với kích cỡ 20 x 14 cm. Tuy nhiên, Trần Đình Thái, lại dành cho mục học hiệu của tỉnh nhà lại quá sơ lược, chỉ có 10 trang (từ trang 55 đến 64) viết về 12 trường Trung học trong thị xã Qui Nhơn, được chia ra như sau:
01/ Trường Sư Phạm Qui Nhơn: 02 trang,
02/ Trường Trung Học Kỹ Thuật: 01 trang, 03/ Trường Trung Học Cường Để: 05 hàng,
04/ Trường Sư Phạm Thực hành: 08 hàng,
05/ Trường Nữ Trung Học Qui Nhơn: 10 hàng,
06/ Trường Trung Nọc Nhân Thảo: 09 hàng,
07/ Trung Tiểu Học Bồ Đề, Qui Nhơn: 09 hàng,
08/ Trường Trung Học Vi Nhân: 27 hàng,
09/ Trung, Tiểu Học Trinh Vương: 23 hàng,
10/ Trung Học Tăng Bạt Hổ Qui Nhơn: 13 hàng,
11/ Trung Học Nghĩa Thục Tự Lực: 12 hàng,
12/ Quang Trung Nghĩa Thục: 14 hàng.
Vì thế, chúng tôi viết đề tài này chỉ còn dựa vào trí nhớ của nhân chứng. Nhưng nhân chứng, dù là Hiệu trưởng, Giám học, Tổng Giám thị, hay Giáo sư, Học sinh… cũng không thể biết hết, nhớ hết tất cả các niên khóa của một ngôi trường. Ví như, ngôi trường là con tàu vượt đường dài, nhân chứng là hành khách, họ chỉ ở trên con tàu một đoạn đường. Hơn nữa, với quá khứ đã trên dưới 50 năm, lại trải qua nhiều dâu bể, sự nhớ lại khó tránh khỏi sai sót, lẫn lộn. Vì thế, dù chỉ khảo sát một ngôi trường, cũng cần nhiều nhân chứng ở nhiều vị trí và thời điểm khác nhau, rồi đối chiếu sàn lọc. Đó là chỉ đề cập đến một ngôi trường, huống hồ với đề tài này bao gồm tất cả các ngôi trường trong tỉnh, thì khó khăn vạn lần. Thêm vào đó, hai niên khóa cuối cùng (1973 – 1974 và 1974 – 1975), trong tỉnh có thêm nhiều trường Tiểu học được phép mở lớp Trung học, để cung ứng với số lượng học sinh gia tăng và tinh thần hiếu học của tỉnh nhà. Vì thế, chúng tôi khởi viết đề tài này từ năm 2004, đến nay (2022) đã bổ chính nhiều lần, nhưng có thể vẫn còn sai sót. Chúng tôi cũng xin nhắc lại, trong phạm vi bài này, chỉ đề cập các trường có mở từ lớp Đệ thất tức Lớp 6 trở lên.
Và cuối cùng xin thưa, cũng vì yêu Trường, yêu Lớp, yêu Thầy, yêu Bạn đồng song, đồng môn, đồng hương, đồng nghiệp. Và nhất là yêu một nền Giáo Dục VNCH, mang triết lý Nhân Bản, Dân Tộc, Khai Phóng, Khoa Học, đã gây cảm hứng cho chúng tôi viết nên đề tài này:
Mang ơn từ lớp vỡ lòng,
Nắm tay con viết, những bông mực nhòa.
Giảng đường lời ấm tiếng loa,
Dạy con kiến thức, dặn ra giúp đời.
(Việt Thao – Tâm thư cho Thầy)