Về cây trà

Thái Công Tụng

1. Dẫn nhập .Trong những thực vật đi sâu vào văn hoá Viêt Nam, ta phải nhắc ngay đến cây trầu, cây trà và cây cau . Nếu miếng trầu để nhai thì tách trà để uống: uống lúc giải lao, uống ngoài đồng ruộng, uống khi khách đến nhà . Trà trong giao tiếp xã hội, trong thủ tục cưới xin, trong thờ cúng, tóm lại, trà là một yếu tố văn hoá của người Việt, đất Việt. Tục uống trà của người Việt đã tạo nên một nét bản sắc văn hoá . Nét đẹp ẩm thực uống trà được thể hiện qua những vần thơ, những câu ca dao, tục ngữ, những điệu hò dân gian trữ tình và những áng thi văn bất hủ của các danh nhân văn hoá Việt Nam:

Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống trà Mạn Hảo, ngâm nôm Thuy Kiều

hoặc:

Chồng em đi ngược về xuôi,

Buôn chè Mạn Hảo tháng ba thì về

Trà Mạn Hão, đôi khi gọi tắt là trà Mạn là loại trà mọc vùng Thượng Du, Trung Du miền Bắc . Đó là loại trà cổ thụ rừng, thân mộc vùng Hà Giang – Lai Châu – Yên Bái được đóng thành bánh gói giấy đỏ giữa có đóng nhãn đề năm sản xuất. Trà Mạn rất được ưa chuộng. Nguyên liệu lấy từ trà Shan Tuyết cổ thụ vùng mạn ngược Hà Giang, mọc tự nhiên trên những dãy núi ở độ cao 800m – 2.400m, quanh năm sương phủ. Họ chọn lựa những búp non, những lá trà rửa sạch và sau khi đóng bánh, phơi khô, họ cho trà vào chum, trên phủ một lớp lá chuối khô, ủ 3- 4 năm cho trà phong hoá bớt chất chát hết mùi ngái, có độ xốp như giấy bản mà vẫn lưu giữ được hương vị đặc trưng mới đem ra dùng, vì thế bao giờ cũng phải ghi rõ thời gian chế biến.

Trả lời